Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk về việc cho ý kiến tham vấn đối với đề xuất thực hiện dự án Đầu tư nhà máy chế biến đá ốp lát Granite.
Theo Bộ Xây dựng, việc thực hiện đầu tư dự án Nhà máy chế biến đá ốp lát và dự án Bê tông thương phẩm cần tuân thủ theo Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng.
Cụ thể, khoản 2, Điều 29, Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP quy định: Dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu phải lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Đối với dự án chế biến đá ốp lát tự nhiên, quy mô công suất: 01 cơ sở khai thác đá khối không dưới 3.000 m3/năm và 01 cơ sở sản xuất đá ốp lát không dưới 20.000 m2/năm. Công nghệ khai thác hiện đại, hạn chế tối đa việc nổ mìn khai thác. Đầu tư thiết bị chế biến hiện đại có thể cưa cắt các tấm đá kích thước lớn, có hệ thống mài và đánh bóng tự động…, nâng cao tỷ lệ thu hồi sản phẩm; tiết kiệm nguyên liệu, điện năng; đảm bảo môi trường theo quy định.
Về vùng nguyên liệu phục vụ các dự án, cần được tính toán đảm bảo chất lượng, đủ trữ lượng phục vụ nhu cầu hoạt động của dự án nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư. Đồng thời, việc quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Về thẩm quyền quyết định đầu tư, căn cứ khoản 1, Điều 32, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 thì dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng thuộc UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Trên cơ sở các nội dung nêu trên và căn cứ chiến lược, kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tại tỉnh, tình hình thị trường và năng lực của chủ đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án theo quy định.